Bạch Mộc Lương Tử (4)

Mỗi lần đi là lần có thêm kinh nghiệm, xin chia sẻ vài quan điểm và cảm nhận cá nhân.
  1. Phong cảnh: Tây Bắc được nhắc đến với ruộng bậc thang vô cùng đặc sắc. Có 2 dịp đặc biệt đó là mùa nước đổ và mùa lúa chín. Ở Y Tý và Sapa thông thường mùa nước đổ rơi vào từ khoảng giữa tháng 05 đến cuối tháng 05 dương lịch, mùa lúa chín thì đầu tháng 09 đến cuối tháng 09 dương lịch. Rất tiếc là trong khoảng thời gian này đều không lý tưởng cho việc leo núi vì là đầu và cuối mùa mưa. Nhưng hên xui, nếu có thời gian bạn nên đi sớm về muộn hơn để thưởng thức đặc sản Tây Bắc này.
  2. Thời gian lý tưởng: cho việc leo núi, trekking là từ tháng 11 đến tháng 04 dương lịch. Đây là mùa khô và thời tiết mát mẻ. Bù lại cho việc các ruộng lúa không đẹp là trời rất đẹp và nhiều mây tụ.
  3. Phân phối sức: nên phân phối sức cho cả hành trình sao cho đều. Tôi chủ quan nên 2 ngày đầu đi nhanh, đến ngày cuối chân chưa kịp hồi phục nên ngày cuối rất khó khăn với việc leo xuống mấy con dốc dài.
  4. Thực phẩm: nếu chưa biết chắc ở trạm dừng có nước sạch hay không thì hãy cố gắng mang nhiều nước nhất có thể. Hoặc phương án tối ưu hơn là mang viên lọc nước, thả vào nước suối 30′ trước khi uống (vì Bạch Mộc rất nhiều suối cả cạnh trạm nghỉ và trên đường lên xuống). Ngoài ra, các thực phẩm ăn nhanh bổ sung điện giải và năng lượng cũng vô cùng cần thiết, đôi khi chỉ một thanh socola cũng làm cho tinh thần và sức khỏe bạn phấn chấn trở lại. Đừng như tôi, không mang gì là một thất sách.
  5. Đổ mặc khi leo và nghỉ: áo nhẹ. Như tôi, khi leo rất nhiều mồ hôi nên tôi chọn áo nhẹ, mỗi lúc dừng nghỉ tôi lại thay tạm chiếc áo ướt do mồ hôi lúc leo ra và mặc một chiếc áo khô vào trong lúc nghỉ ngơi. Vì khi leo thân thể tỏa nhiệt nên dù có mặc áo ướt bạn cũng khó bị nhiễm lạnh, nhưng khi dừng lại người bạn mát hơn cộng với tác động của gió ở trên núi cao rất có thể làm bạn bị nhiễm lạnh. Khi quay lại tiếp tục leo, bạn có thể thay lại chiếc áo ướt để leo và để dành chiếc áo khô. Đó là trường hợp của tôi, vì tôi chỉ có 2 chiếc áo nhẹ.
  6. Đồ mặc đi ngủ: đồ nhẹ, ấm. Trạm nghỉ ở Bạch Mộc cung cấp sẵn chăn bông và do ở cao độ 2.100-2.200m nên thời tiết ban đêm không quá lạnh (nếu đi Fansipan sẽ cần trang bị đồ ấm hơn rất nhiều vì nghỉ ở cao độ 2.800m)
  7. Ba lô: rõ ràng nên chọn ba lô nhẹ, loại dùng cho đi bộ (có cài ở ngực và eo để phân bố lực, đồng thời không bị đập qua lại khi đi nhanh). Ba lô đừng chọn loại chống nước, vì loại này thường nặng. Nếu mưa tôi trùm luôn cái áo mưa nhẹ phủ luôn cả ba lô là xong, chỉ bất tiện nếu cần lấy đồ ra. Lý tưởng nhất là ba lô giảm lực, ba lô này phía sau có một khung cứng nhẹ kết hợp với lưới khi đeo sẽ nhẹ hơn tải trọng thật khoảng 20-40%. Kích cỡ ba lô theo tôi chỉ nên 25 lít trở lại, vì ta cũng chỉ nên đeo khoảng 5 kg trên lưng trong suốt cả ngày leo trèo, trừ trường hợp bất khả kháng. Các em trong đoàn tôi dùng toàn ba lô dạng văn phòng để mang đi, có Tiến đeo cái Jack Wolfskin thì lại quá to so với những thứ chứa bên trong.
  8. Gậy: rõ ràng 1 đôi gậy tốt là rất cần thiết để hỗ trợ đôi chân trong suốt quá trình leo. Do vậy, đừng ngại mang nó đi, như tôi phải kiếm 1 thân trúc cứng để làm gậy.
  9. Giầy: chuyên dụng có đế gai sẽ giúp chân bạn trụ vững hơn và chống những cú ngã dập mông. Tuy vậy, loại giầy này nếu dùng giầy chống thấm thì sẽ khá nặng và lâu khô nếu gặp trời mưa. Một số hãng cũng bán loại giầy này nhưng rất nhẹ, tôi thấy phương án giầy nhẹ là hay hơn cả nếu leo Bạch Mộc. Giầy chống thấm phù hợp với thời tiết khô và lạnh hơn.
  10. Áo mưa và găng tay: tối thiểu 3 áo mưa và 3 găng tay là ý tưởng không tồi của Bee Trekking. Vì áo mưa mỏng nên rất dễ rách, nếu bạn không có áo mưa thay thế sẽ rất dễ bị thấm lạnh vào người và ướt hết đồ trong ba lô. Găng tay sẽ giúp bạn bám vào đá, cây chắc chắn hơn trong những tình huống leo trèo.
  11. Vài thứ nên mang thêm: thuốc chống côn trùng, xà cạp chống rắn (chúng tôi gặp khoảng 4 con rắn khi leo lên và xuống), kem chống nắng.

Bạch Mộc Lương Tử (3)

Ngày 03: 03.06.2018 – ôi thương chân quá

7h00 tôi chào buổi sáng, trời hôm nay khô ráo dù đêm qua vẫn có trận mưa rào ghé thăm. Kế hoạch của chúng tôi là dậy từ 5h để lên đón bình minh núi Muối, nhưng cơn mưa rào sáng sớm đã giúp chúng tôi ngủ tiếp. Mỳ tôm trứng truyền thống xong, chúng tôi lên đường lúc 7h30.

IMG_2514.jpg

Từ lán trại lên núi Muối khá gần, mất khoảng 15′ đi lên ngọn đồi trước nhà. Phía trước núi Muối cũng có một khu lán trại và một cái ao nhỏ, trông giống kiểu hồ treo. Thực ra, nếu được ở cái lán trên này sẽ đẹp và thoáng hơn rất nhiều dù nó không tiện nghi bằng lán phía dưới. Đón chúng tôi là khung cảnh mù mịt như hôm qua trên đỉnh Bạch Mộc, xa xa một đàn dê (thoạt tiên tôi cứ nghĩ là bò) đứng ngổi ngổn ngang trên một tảng đá to phía xa. Không có hy vọng gì về ảnh, chúng tôi rời đỉnh lúc 8h15 để di chuyển xuống.

DSC04002

Đàn dê nằm trên tảng đá phía xa nhìn vô cùng lạ mắt

DSC04005

Thi thoảng nhưng ngọn núi ẩn hiện dưới những cuộn khói sương mù bảng lảng. Tôi cười thầm, mình đã lên đến ngọn cao nhất rồi, đây là các em của nó thôi.

Đường đi xuống chỉ vất vả đoạn đầu, còn lại khá nhẹ nhàng nhưng với đôi chân chưa hồi phục kịp sau ngày hôm qua thì tôi cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Trời khô ráo, thi thoảng mặt trời ló dạng qua những đám mây dày đặc, cơ bản thì trời vẫn tốt và chúng tôi không bị mất nước quá nhiều. Tuy chân mỏi, tôi vẫn bám A Tủa phăm phăm đi trước, mấy bạn sau còn tung tăng chụp ảnh. Có đoạn, tôi phải ngồi thụp xuống để đi xuống, phần vì dốc quá trơn phần vì ngồi xuống thế cho chân đỡ tải.

Continue reading

Bạch Mộc Lương Tử (2)

Ngày 2: 02.06.2018 – nắng bên kia núi

Tôi thức dậy lúc 6h30 sáng, có lẽ là muộn nhất đoàn. Hai bạn người Thái, một bạn ở lại trạm nghỉ không đi tiếp vì biết quá khó khăn, một bạn quyết tâm và đi sớm từ lúc chưa đến 6h. Hôm nay chúng tôi đi cả ngày thay vì hơn nửa ngày như hôm qua.

Bầu trời tiếp tục nhiều mây, chúng tôi bỏ kế hoạch lên núi Muối đón bình minh vì cơn mưa rào đêm đó, cơn mưa mà tôi không có cảm giác gì vì giấc ngủ quá say. Ăn sáng và chuẩn bị đồ, đến 7h chúng tôi bắt đầu những bước chân đầu tiên để đến với đỉnh Kỳ Quan San. A Tủa hôm nay ở nhà chặt củi, dẫn chúng tôi đi là cô gái A Sinh mũm mĩm. Trước khi đi, A Tủa đổ đầy cho chúng tôi mỗi người 2 chai nước, hy vọng hôm nay trời mát sẽ không rơi vào tình trạng khát cháy cổ.

DSC03919-2.jpg

Chú chó nằm trước căn bếp của khu lán trại. Chú theo chân chúng tôi từ hôm qua, vừa như người dẫn đường, vừa như người bạn đi cạnh động viên.

IMG_8494.jpg

Cà phê tan buổi sáng.

DSC03925-2.jpg

Những khu rừng già phủ một lớp sương mù, bóng dáng của trận cháy rừng nhiều năm trước vẫn còn hiện hữu trên những thân cây đen sì, trơ trụi

Trời mát, những đoạn dốc đầu tiên đón chúng tôi là đi dọc theo con suối nhỏ. Khung cảnh không khác hôm qua là mấy, đường dốc lên liên tục nhưng không quá gắt, thi thoảng có vài con dốc cao bị cơn mưa làm cho trơn trượt và lầy lội. Sau khoảng 40 phút dễ thở, chúng tôi đối mặt với con dốc đầu tiên và cũng là con dốc cao nhất của ngày hôm nay. Đoạn dốc không quá dài cũng không ngắn nhưng khá hiểm trở, chúng tôi phải bám vào những khe đá, những cái cây nhỏ dần dần từng bước tiến lên.

Continue reading

Bạch Mộc Lương Tử (1)

Tên gọi: Tên cũ Bạch Mộc Lương Tử, tháng 05/2018 đổi tên thành Kỳ Quan San

Vị trí: Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Độ cao: đỉnh Kỳ Quan San 3046m, cao thứ 4 Việt Nam sau Fansipan, Pusilung và Putaleng.

Thời gian leo: 3 ngày 2 đêm, tính cả thời gian trung chuyển.

Tổng quãng đường: khoảng 30km trên địa hình phức tạp (quãng đường chỉ là số đo tương đối)

Độ khó theo đánh giá: 4/5 (chả biết theo tiêu chuẩn nào, đây là do nhà tour đánh giá)

Tham gia: nếu đơn lẻ thì mua tour ghép của Beetrekking hoặc Viettrekking.

Chi phí: khoảng 2tr tất cả (bao gồm xe Hà Nội – Sapa khứ hồi, xe trung chuyển Sapa đến điểm leo, các bữa ăn trước sau và trong khi leo)


Ngày 1: 01.06.2018 – đường không như là mơ

Sau một đêm ngủ trên xe giường nằm Queen, cái loại xe mà càng ngày đi càng thấy tệ vì chật chội, 4h sáng tôi có mặt ở Sapa. Ngủ thêm một chút đến 6h, tôi rời xe và gọi cho nhà Tour Beetrekking qua đón về Homestay của họ ở cuối đường Mường Hoa.

DSC03894-2.jpg

Sapa nhẹ nhàng trong bình minh sáng sớm, hứa hẹn một ngày đẹp trời. Xe Queen thả chúng tôi xuống ở đường Ngũ Chỉ Sơn, cạnh sân vận động.

DSC03897-2.jpg

Sapa vẫn bụi mù và khu trung tâm ngột ngạt bởi xe vật liệu, những người công nhân, những công trình dang dở, những công trình đồ sộ phù kín bầu không khí thanh mảnh còn sót lại. Từ ngày có cao tốc Nội Bài – Lào Cai và cáp treo Fansipan, Sapa chuyển mình thay đổi, chỉ 3 năm thôi mà Sapa xây dựng bằng cả 30 năm trước đó gộp lại.

Ăn sáng với cơm rang trứng, chuẩn bị qua loa và được phát 3 đôi găng tay, 3 áo mưa mỏng cùng cuộn giấy vệ sinh. Đoàn chúng tôi lúc này gồm 5 người và 1 em dẫn đường di chuyển đến Sàng Ma Sáo.

Continue reading

Bắc Sơn 2015

Bắc Sơn là một huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn. Nổi tiếng với thung lũng tuyệt đẹp lọt giữa trùng điệp núi đá vôi và những ngôi nhà người dân tộc Tày truyền thống.

Để ngắm toàn bộ thung lũng, bạn phải leo bộ lên đỉnh núi Nà Lay cao khoảng 600m. Khỏe sẽ mất 30′ toát mồ hôi, còn không khỏe chắc phải long rong hơn 1h.

Đến đây khá thoải mái ăn ngủ tại nhà trong làng, ăn khoảng 100k/người/bữa. Nói chung rất đáng để khám phá.